Những điểm mới trong dự thảo sửa đổi luật sở hữu trí tuệ
(PLBQ). Chiều 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế – xã hội
Trình bày Tờ trình về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trải qua 16 năm thi hành từ khi được ban hành năm 2005 đến nay, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò trong việc điều chỉnh các quan hệ pháp luật đối với loại tài sản đặc biệt này. Tuy nhiên, bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi so với năm 2005. Việt Nam không còn thuần túy là nước “sử dụng tài sản trí tuệ” mà đang chuyển mạnh sang là nước tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2009 và 2019 không đáng kể, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa đảm bảo hành lang pháp lý đầy đủ và hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.
Quang cảnh phiên họp cho kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. (Ảnh: Nguyễn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, điều này đã được thể hiện trong chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và hiện đại hóa để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay với việc Việt Nam tham gia nhiều cam kết quốc tế hướng đến việc nâng cao đáng kể mức độ bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Những cam kết quốc tế này đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và tiến hành thảo luận về nội dung này. Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Thành Đạt cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 93 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 81 điều) và bãi bỏ 01 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 233 điều, thuộc 7 nhóm chính sách. Cụ thể:
Chính sách 1: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan
Chính sách 2: Khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước
Chính sách 3: Tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp
Chính sách 4: Bảo đảm mức độ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Chính sách 5: Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về sở hữu trí tuệ
Chính sách 6: Nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Chính sách 7: Bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập.
Đây là các nhóm chính sách lớn có tác động đến quan điểm, cách tiếp cận và hướng xử lý đối với cả hệ thống SHTT, bắt đầu từ khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, khai thác và thực thi quyền SHTT. Trong mỗi nhóm chính sách sẽ lại có những vấn đề bất cập của các đối tượng quyền SHTT khác nhau tại các công đoạn khác nhau, các điều khoản liên quan và phương hướng xử lý các bất cập này.
Cụ thể, thứ nhất, các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thuận lợi hơn.
Thứ hai, các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.
Thứ ba, dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký hay phải đăng ký thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.
Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.
Thứ năm, các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.
Thứ sáu, các quy định liên quan đến thực thi quyền sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Và cuối cùng, các quy định hiện có trong Luật SHTT nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế cũng sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Ngoài ra, quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước của dự thảo Luật được thể hiện theo hai phương án trình xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, phương án Phương án 1: Tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí (là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước) và có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký. Phương án 2: Giữ nguyên quy định pháp luật hiện hành quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước được giao quyền chủ đầu tư.
Những điểm mới nổi bật trong dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ
– Đánh giá về những điểm mới trong dự thảo sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ lần này, dự thảo đã làm rõ hơn những nội dung quy định tại Điều 22 về quyền tài sản như quyền biểu diễn; quyền sao chép; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng; Qua đó cung cấp cho người đọc góc nhìn chính xác hơn khi tiếp cận với điều luật. Cụ thể:
“b) Biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
Biểu diễn tác phẩm trước công chúng bao gồm việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được ngoại trừ tại gia đình;
c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật hay hình thức nào.
Trường hợp sao chép tạm thời là một phần thiết yếu không thể tách rời của một quy trình công nghệ, diễn ra trong quá trình hoạt động bình thường của các thiết bị được sử dụng và bản sao bị tự động xoá bỏ, không có khả năng phục hồi lại thì không áp dụng quyền này. ”
– Dự thảo cũng đã sửa đổi Điều 32 là các trường hợp sử dụng đối tượng quyền liên quan không phải xin phép chủ sở hữu quyền liên quan, không phải trả tiền bản quyền, theo đó sửa đổi bổ sung một số quy định về sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy, học tập của cá nhân v.v. không nhằm mục đích thương mại để đảm bảo thực thi theo cam kết quốc tế, đồng thời cân bằng lợi ích giữa chủ thể quyền và công chúng hưởng thụ, tạo điều kiện tiếp cận các đối tượng quyền liên quan để tiếp tục nghiên cứu, học tập, sáng tạo v.v.
– Dự thảo luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trực tuyến nhằm tạo cơ sở pháp lý và thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký trực tuyến đáp ứng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo yêu cầu của Chính phủ về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời bắt kịp với xu hướng công nghệ đang có những bước phát triển vượt bậc.
– Dự thảo luật bổ sung lời văn nhằm bảo hộ nhãn hiệu âm thanh nhằm thi hành nghĩa vụ tại Điều 18.18 Hiệp định CPTPP về loại dấu hiệu có thể đăng, ký làm nhãn hiệu, cụ thể, liệt kê thêm “dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” vào các dấu hiệu đã có. Dấu hiệu âm thanh “thể hiện được dưới dạng đồ họa” sẽ được cụ thể hóa tại Thông tư hoặc Quy chế hướng dẫn thi hành (ví dụ: khuông nhạc, lời hát, biểu đồ sóng âm v.v.) để tùy từng giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội cũng như nhân lực, vật lực mà có thể mở rộng hay thu hẹp các loại âm thanh có thể đăng ký làm nhãn hiệu.
Bình luận về điểm mới này, ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp SHTT,Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam – VCOP) cho rằng: “Khi Việt Nam gia nhập hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã đặt ra những thách thức lớn đối với các tiêu chuẩn về sở hữu trí tuệ. Dự thảo sửa đổi Luật lần này nội luật hóa các quy định bằng cách mở rộng phạm vi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, cụ thể là nhãn hiệu hàng hóa đăng ký sẽ không chỉ dừng lại ở mức là nhãn hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc,mà còn được mở rộng cho phép đăng ký các nhãn hiệu âm thanh và nhãn hiệu mùi hương”. Với thực tiễn bảo hộ nhiều thập kỷ qua của một số quốc gia trên thế giới, có thể thấy rằng để đặt ra một quy định chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và mùi không khó nhưng việc triển khai xác lập quyền bảo hộ các nhãn hiệu này trên thực tế, đặc biệt là nhãn hiệu mùi sẽ là một khó khăn vô cùng lớn cho Việt Nam. Nhất là khi cơ sở vật chất hiện tại của cơ quan thẩm định chưa đáp ứng được yêu cầu thẩm định các loại nhãn hiệu có cách thể hiện phức tạp như nhãn hiệu âm thanh và mùi.
Ông Nguyễn Khắc Khang (chuyên gia cao cấp SHTT, Trung tâm Quyền tác giả Việt Nam – VCOP) bình luận điểm mới trong dự thảo
– Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng cần xem xét một số nội dung liên quan nhằm bảo đảm chính sách dân tộc trong dự thảo Luật, bảo hộ, giữ gìn, phát triển các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định bảo hộ các sáng chế liên quan đến địa phương, bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số, kinh nghiệm phòng, chữa bệnh.
Những bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số được lưu truyền từ nhiều đời ở nhiều vùng, khi di chuyển từ các vùng, địa bàn khác nhau bà con mang theo, thậm chí còn tin tưởng hơn cả phương thuốc tây. Việc này thực ra đang khó trong thực hiện công nhận bảo hộ sáng chế, nhất là ở địa phương vì bà con căn cứ vào thực tiễn, qua lá cây, sản vật để phối chế làm các bài thuốc, do đó phải nghiên cứu xác định thành phần, định danh, gọi tên… sẽ khó trong thực hiện. Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về quyền, nghĩa vụ bản quyền các tác phẩm âm nhạc điệu múa, dụng cụ âm nhạc, trang phục dân tộc đặc sắc, truyền thống của các dân tộc thiểu số. Hiện nay, việc sáng tạo trên nền âm nhạc truyền thống của dân tộc thiểu số và trang phục diễn ra tương đối nhiều nên phải có hướng dẫn cụ thể, xác định quyền, nghĩa vụ liên quan để bảo tồn, giữ gìn giá trị của từng dân tộc.
Trả lời