Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam

Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) vừa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam. Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí đã tham dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Tại Thông báo số 2343/VPCP-KTTH ngày 11/4/2008, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý lấy ngày 20/4 hằng năm là Ngày Thương hiệu Việt Nam nhằm tôn vinh Thương hiệu Việt, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về vai trò và tầm quan trọng của thương hiệu, đồng thời góp phần thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, qua đó đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế. Sau 15 năm, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, ngày càng có nhiều thương hiệu Việt khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Đinh Hữu Phí nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra trên toàn cầu, vai trò của quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) và thương hiệu đặc biệt quan trọng trong các hoạt động thương mại và phát triển kinh tế.

Thương mại điện tử hiện đang có sự phát triển bùng nổ (đặc biệt từ khi bùng phát đại dịch Covid-19), theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 ước tính tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Do bản chất ẩn danh và tương tác trên môi trường số giữa người bán và người tiêu dùng nên hình thức kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến các đối tượng kinh doanh hàng hoá giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể tiếp cận người tiêu dùng. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này cũng ngày càng tinh vi như: che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ nhận đặt hàng trực tuyến, phân tán hàng hóa nhiều nơi, chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định nguồn hàng, việc giao hàng chủ yếu được thực hiện qua dịch vụ vận chuyển. Vì vậy, việc xác định nguồn gốc hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số trở nên khó khăn hơn so với thương mại truyền thống.

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ thương hiệu trên môi trường số, Cục trưởng Đinh Hữu Phí đã đưa ra một số đề xuất đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như sau:

Thứ nhất: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan thực thi và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành (đối với từng nhóm mặt hàng) trong việc kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngay tại các cơ sở sản xuất trong nước và tại các cửa khẩu;

Thứ hai: Tăng cường hiệu quả phối hợp giữa chủ thể quyền với các cơ quan thực thi, chủ sàn thương mại điện tử trong việc cung cấp hàng thật, kỹ năng nhận biết hàng hoá giả mạo, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

Thứ ba: Áp dụng cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử đối với hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (có thể thông qua việc ký thoả thuận về việc phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa chủ sàn thương mại điện tử và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ);

Thứ tư: Tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ (cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và chủ sàn thương mại điện tử) để rà soát đầu vào và nhanh chóng gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ra khỏi các sàn thương mại điện tử;

Thứ năm: Kiện toàn năng lực của các cơ quan quản lý và cơ quan thực thi thông qua công tác xây dựng nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức cũng như nâng cao chế độ đãi ngộ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ;

Thứ sáu: Về chiến lược lâu dài, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực, hướng tới việc xây dựng văn hoá tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong toàn xã hội, hướng tới việc xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ý thức được đầy đủ các lợi ích của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Cục trưởng Đinh Hữu Phí cũng chia sẻ, là cơ quan có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thống nhất quản lý nhà nước về SHTT; trực tiếp quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động sự nghiệp về sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật, Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, cụ thể là:

Trong năm 2022, Cục SHTT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT. Dự thảo Luật đã được Quốc hội thông qua vào ngày 16/6/2022, được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố Luật vào ngày 28/6/2022 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Hiện nay, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật và dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 01/2007/TT-BKHCN đã được trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Trong thời gian sắp tới, Cục SHTT sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tập trung vào công tác tổ chức thực hiện pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Cục SHTT cùng các cơ quan, tổ chức có liên quan đang tích cực triển khai “Chiến lược quốc gia về sở hữu trí tuệ đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm cụ thể hóa, triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Chiến lược. Cục SHTT cũng đã tích cực hỗ trợ các hoạt động thực thi quyền SHTT thông qua việc cung cấp thông tin, ý kiến chuyên môn cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi quyền SHTT các cấp như Toà án, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp và tham gia Ban thường trực Chương trình phối hợp hành động chống xâm phạm quyền SHTT quốc gia (Chương trình 168 giai đoạn III (2019-2023)) với sự tham gia của 20 thành viên đến từ các bộ, ngành.

Trong khuôn khổ Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam, năm 2022, Cục SHTT đã triển khai các lớp tập huấn về “Hỗ trợ nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở trong nước và nước ngoài”, với sự tham gia của 200 đại biểu (tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Trong những năm tới, Cục SHTT sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai hoạt động này với nội dung và hình thức phong phú hơn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Hiệp hội VATAP và Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã thực hiện ký kết hợp tác trong việc phối hợp chống hàng giả và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, Hiệp hội VATAP cũng đã tổ chức lễ kết nạp hội viên mới, trao tặng Bằng khen, chứng nhận và biểu trưng đối với các doanh nghiệp tiêu biểu./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Thông tin liên quan

Tư vấn trực tuyến